Thời đại công nghệ số, di động trở nên phổ biến trên toàn cầu và trở thành vật bất ly thân của mọi người. Chính sự phát triển không tưởng này đã dẫn đến những thay đổi quan trọng trong hành vi người dùng và tạo ra bước ngoặt phát triển của mobile marketing.

Di động phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu

Trong quá khứ, chưa từng có công nghệ nào có mức độ bao phủ vượt qua dân số thế giới, thậm chí ngay cả đồng hồ - vật dụng được xem là phổ biến nhất, cũng không thể làm được điều đó. Thế nhưng, điện thoại di động lại trở thành hiện tượng duy nhất vượt qua dân số toàn cầu. Cuối năm 2014, số lượng thuê bao di động toàn cầu đã vượt qua dân số toàn thế giới, đạt mốc 7,4 tỉ, cao hơn 1,8% so với dân số toàn cầu là 7,2 tỷ người. Trong tương lai gần, con số này được dự đoán sẽ tiếp tục tăng khoảng 30%, lên đến 9,1 tỷ vào năm 2021.

Di động - cánh cổng mở ra kỷ nguyên số 

Tại Ấn Độ và Trung Quốc, hai quốc gia đông dân nhất thế giới, lượng thuê bao di động đã vượt qua mốc 1 tỷ. Trung Quốc đạt đến con số này vào năm 2012, trong khi Ấn Độ vượt mốc 1 tỷ vào cuối năm 2015 ở thành thị lẫn nông thôn.

Tại Việt Nam, số thuê bao di động là 124,7 triệu so với dân số 92,7 triệu người (theo Tổng cục Thống kê Việt Nam). Theo National Media Habits Survey (tạm dịch: Khảo sát về thói quen truyền thông quốc gia) được thực hiện bởi Kantar Media vào năm 2016, hầu hết các hộ gia đình đều sở hữu ít nhất một chiếc điện thoại di động.

Người dùng di động tăng nhanh về số lượng và trẻ hóa độ tuổi

Cụ thể, 95% dân số trong độ tuổi 15 – 54 đều sở hữu một chiếc điện thoại di động và có đến 58% người dùng đăng ký dịch vụ trả trước cho rằng “Tín hiệu ổn định” là yếu tố chính ảnh hưởng đến việc lựa chọn nhà mạng. Dù tỷ lệ người sử dụng smartphone đã tăng đáng kể từ 34% năm 2014 lên 60% năm 2016, các gói dịch vụ 3G vẫn giới hạn ở mức 33% trên toàn quốc, ngoại trừ Hà Nội khi có đến 53% người sử dụng dịch vụ 3G.

Di động - thiết bị đa năng thời đại số

Tại Việt Nam, tỷ lệ người dùng sử dụng trình duyệt, mạng xã hội, gọi thoại/ video, chơi game, xem video ngắn và nghe nhạc trực tuyến trên smartphone cao hơn so với trung bình toàn cầu.

Ông Hoàng Đạt, Giám đốc kinh doanh khu vực của Gameloft cho biết: “Việt Nam là một trong những thị trường di động phát triển nhanh nhất trên thế giới. Mức độ thâm nhập của smartphone tăng trưởng đáng ngạc nhiên, trong đó 90% smartphone chạy hệ điều hành Android và Apple chiếm 8%. Nhờ công nghệ 4G, chất lượng kết nối được cải thiện đáng kể. Trung bình mỗi ngày người Việt Nam dành hơn 2,5 giờ để truy cập Internet bằng di động. Những hành vi phổ biến trên smartphone có thể kể đến như sử dụng mạng xã hội (95%), chơi game (82%), xem phim và clip (80,6%). Thị trường di động Việt Nam được nhận định tiếp tục phát triển và dĩ nhiên marketing trên di động sẽ sớm bùng nổ trong thời gian tới!”

Điện thoại di động cũng tạo ra những thay đổi to lớn trong lĩnh vực truyền thông. Trung bình trong 115,3 phút một người Việt Nam sử dụng các thiết bị khác nhau thì có đến 80,6 phút dành cho di động. Đặc biệt, xu hướng này thể hiện rất rõ ở các thành phố lớn như Hà Nội hay Hồ Chí Minh.

Tỷ lệ người dùng internet trên điện thoại tại Việt Nam cao hơn so với trung bình toàn cầu

Bà Lê Thị Thanh Huyền, Giám đốc Truyền thông Unilever Việt Nam bày tỏ quan điểm: “Giờ đây điện thoại di động đã trở thành cổng truy cập Internet chính dành cho người tiêu dùng nông thôn, các marketer cần đầu tư nhiều hơn cho nội dung trên di động. Làm cách nào để thu hút sự chú ý của khán giả trong “thời gian riêng tư” của họ? Bắt đầu bằng TV và kết thúc bằng Digital hay chúng ta nên suy nghĩ về Mobile First? Nội dung có đủ chất lượng để xem được trên thiết bị di động hay có thực sự được thiết kế phù hợp trên môi trường di động không? Tất cả những điều này tạo nên thách thức cho các e-marketer (tạm dịch: nhà tiếp thị số) trong thời đại truyền thông kỹ thuật số phát triển với tốc độ chóng mặt như hiện nay”.
 
Không riêng gì bà Huyền, ông Anand Krishnan - MD Mediacom Vietnam – cũng chỉ ra rằng: “Những thay đổi của công nghệ di động đã đem đến bước đột phá lớn trong thế kỷ 21. Ngay cả khi người dùng tiếp tục dành nhiều thời gian hơn cho thiết bị này, đe dọa tính hiệu quả của các kênh truyền thống thì cơ hội hiện tại vẫn là rất lớn. Ngày nay, điện thoại di động có khả năng tiếp cận qua nhân khẩu học và khả năng tác động đến mọi giai đoạn của P2P (Person to person. Điện thoại di động còn giữ vai trò tăng Khả năng tiếp cận hay Nhận thức của người dùng. Những năm tới đây, chúng ta sẽ thấy marketing được thiết bị này dẫn dắt ở mức độ ngày càng cao hơn”.

Ông Anand Krishnan - MD Mediacom Việt Nam

Với những số liệu và nhận định trên đây, có thể thấy tiềm năng phát triển Mobile Marketing tại Việt Nam là vô cùng to lớn. 2018 chắc chắn là năm để doanh nghiệp khuếch trương thương hiệu và sản phẩm ra thị trường thông qua di động tốt hơn. Nhìn nhận và đánh giá đúng tiềm lực trong những năm tiếp theo của di động sẽ có vai trò trọng yếu trong mỗi chiến dịch marketing. Đừng quên tận dụng lợi thế của nền tảng này mang lại và tiếp cận khách hàng mục tiêu tốt hơn.

Nguồn: Vietnam: Mobile Ecosystem & Sizing Report 2017/18