Vào tháng 6/2017, Ủy ban châu Âu (EC) cùng các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng EU đã gửi thư yêu cầu 3 hãng công nghệ khổng lồ trên phải đưa ra đề xuất sửa đổi điều khoản sử dụng trước ngày 20/7 để có thể triển khai thực hiện vào cuối tháng 9. 

EC cũng nhấn mạnh sẽ áp dụng những biện pháp trừng phạt nếu 3 hãng không đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, theo một nguồn thạo tin, hiện 2 hãng đã đệ trình những đề xuất sửa đổi, hãng còn lại đề nghị cần thêm thời gian.

Youtube và những động thái trước khủng hoảng chính sách nội dung. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chính phủ Mỹ cũng như nhiều nước châu Âu đã nhiều lần hối thúc các mạng xã hội như Twitter, Facebook và Google đẩy mạnh nỗ lực chống vấn nạn cực đoan hóa trên mạng Internet, đặc biệt từ các nhóm cực đoan như tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. EC và các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng đã đưa ra những yêu cầu đề nghị các hãng này thay đổi các điều khoản sử dụng lần đầu tiên vào tháng 3/2017. Theo đó, các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng yêu cầu người dùng phải được thông báo trước khi nội dung của họ bị tháo xuống.

Ngày 24/8/2017 vừa qua, Google đã bắt đầu kiểm soát Youtube theo cách chưa từng có trước đây. Đã có thêm nhiều các cảnh báo cũng như nhiều quảng cáo đã bị vô hiệu hóa trên những video mà Google nhận thấy sự xúc phạm "quá đà" trong nội dung mà video đăng tải. Tuy nhiên, Youtube sẽ không xóa những video như vậy, thay vào đó, họ sẽ hạn chế việc xem, chia sẻ và kiếm tiền từ quảng cáo đối với chúng thông qua những điều khoản mới.

Facebook vừa qua cũng đã thuê 3.000 nhân viên mới để đẩy mạnh kiểm soát nội dung, đặc biệt là đối với công cụ Livestream của mạng xã hội số 1 thế giới này. Facebook cũng phải nhận nhiều áp lực từ các cơ quan chức năng của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Tại Thái Lan, tòa án Hình sự đã gửi email chính thức đến CEO Facebook Mark Zuckerberg để yêu cầu chặn khoảng 309 trang trên mạng xã hội này và ngay sau đó Facebook đã có những động thái hợp tác tích cực.

Facebook đẩy mạnh việc kiểm soát nội dung. Ảnh minh họa. Nguồn: Báo mới

Tổng thư ký  Văn phòng Ủy ban Viễn thông và Truyền hình Quốc gia Thái Lan (NBTC) Takorn Tantasith cho biết: “Phản ứng của Facebook là dấu hiệu tốt cho thấy tương lai hợp tác giữa ISP và công ty mạng xã hội này”

Tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng ban hành những chính sách nghiêm ngặt về việc kiểm duyệt nội dung của các mạng xã hội như Facebook, YouTube. Đại diện Facebook tại Việt Nam cũng khẳng định sẽ phối hợp với Bộ ưu tiên gỡ bỏ thông tin giả danh, tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức, đặc biệt là tài khoản giả mạo các lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, các tổ chức cá nhân.